Nhân dịp Quỹ Toàn cầu chuẩn bị công bố (dự kiến ngày 24/11/2023) số liệu chi tiết về Hỗ trợ Việt Nam trong P/c HIV, Lao, Sốt rét cho giai đoạn 2024-2026; CCM xin tóm tắt những thông tin cơ bản, cốt yếu nhất về Qũy Toàn; sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu cho Việt Nam.
1Một số thông tin cơ bản về Quỹ Toàn cầu
Năm 2000, tình trạng lây nhiễm HIV, Lao và Sốt rét rất đặc biệt nghiêm trọng, gây tử vong nhiều người trên khắp thế giới. Để tìm giải pháp cho tình trạng này không chỉ cần cam kết của các chính phủ mà còn cả của khu vực tư. Ý tưởng thành lập Quỹ Toàn cầu (QTC) do cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Kofi Annan đưa ra và được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) G8 năm 2000, và ngay sau đó được thảo luận tại HNTĐ Liên minh châu Phi và Đại hội đồng LHQ. Sang năm 2021, các nước G8 chính thức ủng hộ tại HNTĐ vào tháng 7/2021. Vào tháng 01/2022, QTC được chính thức được thành lập theo Nghị quyết của Liên hợp quốc và đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ.
Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (viết tắt là GF) là cơ chế tài chính đa phương, do tự nguyện đóng góp của các quốc gia, tổ chức tư nhân, quỹ từ thiện, doanh nghiệp… nhằm mục tiêu chấm dứt ba bệnh HIV/AIDS, Lao và Sốt rét.
Nguồn ngân sách của QTC, các khu vực công đóng góp 95%, 5% còn lại là từ khu vực tư nhân hoặc các sáng kiến tài chính. Đến nay đã có hơn 60 quốc gia động góp tài chính cho QTC, trong đó Mỹ là quốc gia tài trợ nhiều nhất (23,17 tỷ USD), Pháp (6,28 tỷ Euro), Anh (4,65 tỷ Bảng Anh), Đức (hơn 4,6 tỷ Euro) và Nhật Bản (4,57 tỷ USD).
Từ khi thành lập đến nay, QTC đã tài trợ hơn 55,4 tỉ USD cho các dự án P/c 3 bệnh HIV/AIDS, Lao và Sốt rét và cho các chương trình tăng cường hệ thống y tế tại hơn 155 nước. QTC trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho y tế toàn cầu. Ước tính, QTC đã giúp ngăn ngừa được 50 triệu ca tử vong.
Khi thành lập năm 2002, QTC có tư cách pháp nhân là một quỹ tư nhân theo luật của Thụy Sĩ. Chỉ sau một thời gian ngắn, do tính chất và phạm vi hoạt động rất rộng, nhu cầu về pháp lý của QTC trở nên tương tự như của các tổ chức quốc tế. Do đó, tháng 12/2004, Thụy Sĩ và QTC ký một Hiệp định xác định địa vị pháp lý của QTC tại Thụy Sĩ. Theo đó, Thụy Sĩ công nhận pháp nhân và năng lực pháp lý quốc tế (international juridical personality and legal capacity)[1] của QTC, và cho phép QTC cũng như quan chức, nhân viên và chuyên gia của QTC được hưởng nhiều quyền ưu đãi và miễn trừ, trong đó có cả quyền bất khả xâm phạm trụ sở, tài liệu và dữ liệu (tương tự của các tổ chức quốc tế).
Đến nay đã có 22[2] quốc gia phê chuẩn/gia nhập Hiệp định về Ưu đãi và miễn trừ của QTC, tức là đã dành cho QTC các quyền ưu đãi và miễn trừ như của các tổ chức quốc tế và 04[3] quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn
Từ nhiều năm gần đây, các tổ chức đối tác công – tư có phạm vi hoạt động quốc tế như QTC ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu, ví dự như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).v.v. Đặc điểm chung của các tổ chức này đều là mô hình đối tác công – tư, thành viên là các chính phủ và khu vực tư nhân cùng tham gia đóng góp ngân sách, cùng tham gia Ban quản trị. Đa số các tổ chức này ban đầu được thành lập như một quỹ/tổ chức phi chính phủ/tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, do vai trò, đóng góp và quy mô hoạt động của các tổ chức này, nhiều nước đang dần dần công nhận các tổ chức này là tổ chức quốc tế và được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ như của các tổ chức quốc tế.
Cho đến nay Việt Nam chưa công nhận QTC là một tổ chức quốc tế (tổ chức liên chính phủ). Trong Thỏa thuận Khung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và QTC ký ngày 24/8/2015 (sau đây gọi tắt là Thỏa thuận Khung), hai bên nhắc đến QTC như một thể chế tài trợ sáng tạo (innovative financing institution). Hiện ta đang nghiên cứu đề xuất của QTC về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định về Ưu đãi và miễn trừ của QTC hoặc ký với QTC một điều ước về ưu đãi và miễn trừ.
Đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho Việt Nam
Đối với Việt Nam, từ năm 2002 đến hết 2023, QTC đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam gần 700 triệu USD, gồm 295 triệu USD cho phòng chống HIV, 243 triệu USD cho phòng chống bệnh lao, 62 triệu USD cho phòng chống bệnh sốt rét, 62 triệu USD cho củng cố hệ thống y tế và 42 triệu USD cho phòng chống COVID-19. Đây là nguồn hỗ trợ hết sức quý báu đối với Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng với quan tâm đầu tư của Nhà nước Việt Nam, sự hỗ trợ của bè bạn và các tổ chức quốc tế, đóng góp nguồn lực của Quỹ Toàn cầu đối với P/c HIV, Lao và Sốt rét đã góp phần quan trọng để Việt Nam đạt kết quả tích cực trong P/c 03 bệnh. Riêng với chương trình P/c Lao và sốt rét, có thể nói ngắn gọn: 70-80% nguồn lực cho 2 chươmg trình này là nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu. Các kết quả chính, có thể tóm tắt như sau:
Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (năm 1990), đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả ba tiêu chí. Chương trình P/c HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Chương trình chống lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc; 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống lao và đã cứu sống được hơn 1 triệu người mắc bệnh lao. Việt Nam là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số, cứu sống được trung bình 50.000 bệnh nhân lao mỗi năm, được thế giới đánh giá mô hình điểm bước vào con đường chấm dứt bệnh lao.
Đối với chương trình phòng, chống sốt rét, vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét, không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét. Việt Nam đã có 42/63 tỉnh, thành phố loại trừ được sốt rét…
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quỹ Toàn cầu cũng đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động của dịch bệnh ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19; trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế; kiểm soát lây nhiễm; đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
[1] https://www.theglobalfund.org/media/3375/bm07_07gpcreportannex92_annex_en.pdf
[2] Afghanistan, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Eswatini, Ethiopia, Gabon, Georgia, Kenya, Lesotho, Liberia, Malawi, Moldova, Mozambique, Niger, Rwanda, Sao Tome và Principe, Senegal, Thụy Sĩ, Mỹ, Togo, Uganda và Zimbabwe.
[3] Burundi, Guinea Bissau, Moldova, Montenegro.
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi được đăng. Vui lòng viết bình luận có dấu.