TÌNH HÌNH
Lao, hay gọi TB (Tuberculosis) là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gây bệnh ở phổi. bệnh lan truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn ra từ cổ họng và phổi của người bệnh đang bị bệnh lao phổi giai đoạn tiến triển. Chỉ khoảng 5-10% những người bị nhiễm Lao sẽ phát triển bệnh lao trong đời. Triệu chứng của bệnh lao phổi bao gồm ho, đôi khi có đờm, hoặc ho ra máu, đau ngực, suy nhược, gầy sút, sốt và ra mồ hôi về đêm. Bệnh lao vẫn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong trên thế giới.
Bệnh lao có thể điều trị với kết hợp 6 loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân trong số các bệnh nhân lao có đề kháng với các loại kháng sinh này, do đó đòi hỏi thời gian điều trị lâu hơn từ 9-24 tháng. Hầu hết bệnh lao có thể được điều trị khỏi miễn là bệnh nhân tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị.
Theo nội dung kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao vào ngày 09/03/2020 tại trụ sở chính phủ: Công tác phòng chống lao tại Việt Nam thời gian vừa qua đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Năm 2015, Việt Nam đã là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động hiệu quả: tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (92% đối với người mới mắc lần đầu); tình trạng lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng từng bước được khống chế.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục. Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc lao và 13.000 người tử vong vì bệnh lao hàng năm; là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên toàn cầu; ý thức chủ động phòng, chống và điều trị bệnh của người dân, sự quan tâm vào cuộc của cộng đồng còn thấp.
NHU CẦU
Để có thể đạt mục tiêu chấm dứt được bệnh lao vào năm 2030 như đã cam kết với Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế có phương án phù hợp để định hướng thực hiện Chương trình chống lao Quốc gia tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương có phương án truyền thông phù hợp nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương lập kế hoạch và phương án nguồn vốn bảo đảm thuốc phòng, chống lao theo quy định; dự thảo Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh lao, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và Chương trình hành động Quốc gia phòng, chống bệnh lao giai đoạn 2020 – 2030 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất các quy định liên quan đến việc chấm dứt bệnh lao để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, sớm có kế hoạch làm việc với 15 địa phương chưa có bệnh viện chuyên khoa lao để thống nhất mô hình và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác phòng chống và điều trị bệnh lao; chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương để có phương án phối hợp với các cơ quan liên quan, huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình chống lao Quốc gia; khẩn trương lập kế hoạch vốn 2021 để thực hiện kế hoạch bảo đảm thuốc chống lao điều trị cho bệnh nhân lao năm 2021, lấy ý kiến Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hàng năm vào dịp 27/2 các trường dành thời gian 15 phút để phổ biến về ý thức giữ gìn, rèn luyện sức khỏe trong đó có bệnh lao. Giao Bộ Y tế soạn tài liệu hướng dẫn cho từng cấp học.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống lao trên địa bàn; kiện toàn cơ quan phòng, chống lao các cấp theo đúng quy định hiện hành và Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn:
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=199463
https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/tuberculosis
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi được đăng. Vui lòng viết bình luận có dấu.