PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

TÌNH HÌNH

Các trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được báo cáo tại Việt Nam vào năm 1990. Đến năm 2018, Việt Nam có khoảng 230.000 người sống chung với bệnh HIV, chiếm khoảng 0,3% dân số.

Nhiễm HIV vẫn tập trung ở ba nhóm quần thể chính được xác định bởi mức độ các hành vi đặt họ vào tình trạng có nguy cơ cao lây truyền HIV, đó là nam quan hệ tình dục với nam (MSM), người tiêm chích ma túy (TCMT) và phụ nữ bán dâm (PNBD) và bạn tình của họ. Tiêm chích ma túy vẫn là phương thức lây truyền HIV hàng đầu tại Việt Nam, tuy vậy tốc độ lây truyền trong nhóm MSM đang tiến gần đến mức tương đương. Mô hình ước tính dịch cho thấy ước tính 25% các ca nhiễm mới đã xảy ra trong nhóm nam TCMT năm 2017. Với quy mô quần thể tương đương với quần thể TCMT và số ca nhiễm mới hàng năm của quần thể này tăng lên (21% năm 2017 so với 7% năm 2010), MSM là quần thể ưu tiên trong ứng phó về HIV của Việt Nam để hướng tới chấm dứt dịch AIDS.

Ngoài ba quần thể chính và bạn tình của họ, còn có một số quần thể khác có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và những người này có thể chưa được tiếp cận một cách hiệu quả với các dịch vụ dự phòng HIV. Những quần thể này bao gồm phụ nữ chuyển giới và những người sử dụng chất kích thích dạng amphetamine (ATS). Có sự phân bố địa lý đa dạng của cả quần thể chính và tỷ lệ nhiễm HIV.

NHU CẦU

Ứng phó về HIV của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài trợ bên ngoài, đặc biệt là PEPFAR và Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (GFATM, sau đây gọi tắt là Quỹ Toàn cầu), cả hai đều tập trung đầu tư vào điều trị và các dịch vụ liên quan. Các nguồn tài trợ bên ngoài có khả năng giảm nhanh chóng từ năm 2020. Nếu việc tăng ngân sách quốc gia và địa phương cho ứng phó về HIV, bao gồm cả các biện pháp can thiệp dự phòng, không được huy động thì những thành tựu đã đạt được trong thập kỷ qua có nguy cơ bị mất.

Tác động chính của ứng phó quốc gia về HIV đã được nghiên cứu thông qua mô hình hóa sử dụng phần mềm Mô hình Dịch Châu Á (AEM). Các phát hiện cho thấy nếu không có ứng phó quốc gia về HIV, sẽ có nhiều hơn hai lần số người có thể phải sống chung với HIV và số ca nhiễm mới mỗi năm có thể sẽ tiếp tục tăng đều. Mở rộng quy mô chương trình dự phòng và điều trị đã góp phần ngăn chặn được hơn 400.000 ca nhiễm HIV trong giai đoạn 2001-2017.

Chiến lược quốc gia (2012-2020) nhằm giảm 80% các ca nhiễm HIV mới vào năm 2020 và mục tiêu Fast Track là giảm 90% ca nhiễm mới vào năm 2030 so với số ca nhiễm mới ước tính của năm 2010. Hiện tại, chỉ có nhóm phụ nữ bán dâm (PNDB) là có các ca nhiễm mới (ước tính) giảm đủ để đạt được cả hai mục 7 tiêu vào năm 2020 và năm 2030. Số ca nhiễm mới trong nhóm MSM đang gia tăng nhanh chóng. Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu đã đề ra là chấm dứt AIDS vào năm 2030, thì cần phải thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng hiệu quả để MSM ở mọi lứa tuổi tiếp cận được. Ngoài ra, rất cần đổi mới chiến lược để cải thiện mức độ bao phủ và tăng cường xét nghiệm HIV cho tất cả các nhóm quần thể chính nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu Fast-Track 90% người nhiễm HIV biết tình trạng của họ vào năm 2020, đồng thời tối đa hóa lợi ích của việc điều trị là dự phòng.

Mô hình ước tính được thực hiện cuối năm 2018, sử dụng phần mềm Mô hình dịch Châu Á (AEM) đã nghiên cứu và đưa ra ba kịch bản có thể đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS. Các kịch bản này được so sánh dựa trên các tiêu chí về ca nhiễm mới và tử vong mới, số năm sống điều chỉnh theo bệnh tật (DALYs) tiết kiệm được, tổng chi phí và lợi tức đầu tư. Kịch bản 1 (Fast-Track) là con đường nhanh nhất để đạt được kết thúc dịch AIDS và mang lại số DALYs cao nhất, nhưng nó đầy tham vọng và có chi phí cao nhất. Kịch bản 2 (Fast-Track mục tiêu Điều trị và đặt trọng tâm vào đẩy mạnh can thiệp dự phòng cho nhóm MSM) có tỷ lệ lợi ích chi phí cao nhất, nhưng nó sẽ yêu cầu tăng tốc độ bao phủ điều trị (theo mục tiêu Fast-Track). Kịch bản 3 (Quy mô điều trị tăng theo tỷ lệ phù hợp với các năm trước đồng thời tập trung đẩy mạnh can thiệp dự phòng cho nhóm MSM) là kịch bản rất có thể đạt được, có tính khả thi nhất và đạt được 95% kết quả của Kịch bản 2.

Nếu không tiếp tục đầu tư và mở rộng các hoạt động dự phòng HIV, Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu đã đề ra là kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mặc dù đầu tư tiếp tục và mở rộng là cần thiết để duy trì can thiệp dự phòng HIV cho tất cả các quần thể chính, nhưng cũng cần phải đặc biệt nỗ lực triển khai khẩn cấp các dịch vụ dự phòng hiệu quả, dựa trên bằng chứng, và được thiết kế phù hợp cho các nhóm MSM ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả các chiến lược đổi mới để cải thiện tỷ lệ sử dụng bao cao su.

Để có hiệu quả, việc mở rộng chương trình dự phòng cần phải được cấp kinh phí đầy đủ. Có khả năng Việt Nam sẽ thấy sự sụt giảm đáng kể nguồn tài trợ bên ngoài cho ứng phó về HIV sau năm 2020: các nguồn tài trợ mới cần được xác định cho chương trình dự phòng. Điều này sẽ bao gồm việc huy động tăng ngân sách địa phương và quốc gia, cũng như tìm hiểu các cơ hội hợp tác công tư và thu hút các nhà từ thiện quốc gia/hoặc quốc tế. Việc giới thiệu các phương thức đa dạng để cung cấp dịch vụ hiệu quả, như hợp đồng xã hội/đầu tư công thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng cho các dịch vụ dự phòng và do cộng đồng thực hiện là một cấu phần thiết yếu cho phép mở rộng chương trình dự phòng.

Nguồn: http://unaids.org.vn/mot-bao-cao-danh-gia-ve-chuong-trinh-du-phong-hiv-o-viet-nam/

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi được đăng. Vui lòng viết bình luận có dấu.